Ngành Phân tích kinh doanh và Phân tích dữ liệulàm sao phân biệt? 

 

 

Chuyên ngành Data Analysis (Phân tích dữ liệu) và Business Analysis (Phân tích kinh doanh) đang là ngành học siêu hot của tương lai kỷ nguyên số, song cũng thường gây bối rối cho những bạn muốn học ngành phân tích. Tuy điểm chung của cả hai nghề là yêu cầu sự hiểu biết sâu rộng về làm việc với dữ liệu, thực tế, vai trò và trách nhiệm của hai vị trí là rất khác nhau. 

Vậy sự giống và khác nhau đó cụ thể là như nào, và cần biết những gì trước khi bạn lựa chọn giữa hai ngành học? Hãy cùng SOL Edu tìm hiểu hôm nay nào.

Chuyên viên phân tích kinh doanh (Business Analyst) làm gì?

Vai trò của một nhà phân tích kinh doanh thường liên quan đến việc giải quyết một vấn đề hiện tại hoặc tương lai cho một tổ chức, thường xuyên bằng việc áp dụng công nghệ thông tin. Thay vì đặt ra và quản lý chiến lược tổ chức vĩ mô, giống như vai trò của giám đốc điều hành, nhà phân tích kinh doanh thường tập trung vào một dự án cụ thể hơn. 

Thông thường, vai trò của một nhà phân tích kinh doanh liên quan đến việc xác định, thiết kế và triển khai các hệ thống CNTT mới để cải thiện hiệu quả chức năng và đạt được các mục tiêu nhất định. Điều này đồng nghĩa họ thường làm việc chặt chẽ và hợp tác với các nhóm CNTT.

Công việc của phân tích kinh doanh chắc chắn cần sự hiểu biết toàn diện về những gì doanh nghiệp làm và biết vai trò của dự án của họ trong chiến lược tổ chức cấp cao hơn. Để phân tích nhu cầu và phát triển một trường hợp kinh doanh mới, họ phải thảo luận các vấn đề với nhiều bên liên quan, phát triển và thử nghiệm các giải pháp khác nhau, sau đó trình bày tiến độ cho nội bộ công ty như Hội đồng quản trị hoặc giám đốc điều hành.

Nhìn chung, công việc của một nhà phân tích kinh doanh có thể bao gồm:

  • Thu thập, xác thực và ghi lại các yêu cầu kinh doanh. 
  • Đánh giá quy trình kinh doanh về hiệu quả, chi phí và các tiêu chí khác.
  • Mô hình hóa quy trình kinh doanh.
  • Xác định các vấn đề, rủi ro và lợi ích của các giải pháp hiện có và mới.
  • Chuẩn bị các đề xuất chiến lược để điều chỉnh quy trình, đồng thời triển khai và thử nghiệm các giải pháp này.

Đây chính là lúc phân tích dữ liệu phát huy sức mạnh vì dữ liệu sẽ giúp những quyết định đưa ra khách quan hơn, giảm thiểu những giả định không chắc chắn cũng như đánh giá chủ quan từ yếu tố con người. 

Không có gì lạ khi những người đã có kinh nghiệm phân tích dữ liệu su này chuyển sang vai trò phân tích kinh doanh, vì nó thường mở rộng trách nhiệm của họ và thường mang lại cơ hội thăng tiến cao hơn. Các nhà phân tích kinh doanh cũng có thể đến từ các lĩnh vực quản lý dự án, phát triển phần mềm và quản lý chung.

Chuyên viên phân tích dữ liệu (Data Analyst) làm gì?

Trong khi nhà phân tích kinh doanh làm việc trên các chức năng và vấn đề khác nhau của tổ chức, các nhà phân tích dữ liệu thường làm việc chủ yếu với dữ liệu.

Các nhà phân tích dữ liệu sử dụng kết hợp nhiều công cụ và kỹ thuật để tìm ra cách ‘mổ xẻ’ dữ liệu sẵn có, tìm ra câu chuyện đằng sau những con số, và giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu chiến lược của mình.

Cũng giống như phân tích kinh doanh, họ phải bắt đầu bằng cách xác định một câu hỏi hoặc một vấn đề. Chỉ như vậy thì nhà phân tích dữ liệu mới có thể tập trung tìm ra bộ dữ liệu nào là thực sự cần thiết và tránh gây xao nhãng.

Bước tiếp theo sẽ là về thu thập những bộ dữ liệu được xác định trên trên, đảm bảo định dạng dữ liệu nhất quán, và sau đó loại bỏ những thông tin không cần thiết hoặc gây ra sai lệch. Kết quả qua xử lí có thể giúp định hình mô hình và xu hướng, nguyên nhân và kết quả, hoặc dự đoán và lý do, bất cứ điều gì sẽ giúp doanh nghiệp trả lời vấn đề ban đầu và đưa ra quyết định.

Như vậy, công việc của một nhà phân tích dữ liệu bao gồm:

  • Thiết kế, duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu
  • Xác định các quy trình thu thập và phân tích dữ liệu mới. 
  • Thu thập và diễn giải dữ liệu.
  • Xác định các mẫu và xu hướng trong bộ dữ liệu.
  • Phân tích kết quả và báo cáo kết quả cho các bên liên quan khác nhau.

Các nhà phân tích dữ liệu sẽ cần biết về quy trình kinh doanh chung của tổ chức cũng như các chiến lược, mục tiêu, và tổ chức khách hàng nhằm cụ thể hóa những quyết định đưa ra.

Vậy thì, sự khác biệt giữa nhà phân tích dữ liệu và nhà phân tích kinh doanh là gì?

Họ làm việc ở hai đầu của hệ thống CNTT

Hai ngành nghề, nhà phân tích kinh doanh và nhà phân tích dữ liệu, có thể nói là làm việc ở hai phía đối lập của hệ thống CNTT bởi:

  • Nhà phân tích kinh doanh sẽ hình dung, thiết kế và triển khai các hệ thống CNTT. 
  • Nhà phân tích dữ liệu diễn giải ý nghĩa từ dữ liệu mà hệ thống và những người khác thu thập.

Tuy nhiên, hiện nay dữ liệu trở thành ‘kim chỉ nam’ của mọi quyết định kinh doanh, vai trò của nhà phân tích kinh doanh phụ thuộc nhiều hơn vào phân tích dữ liệu. Điều này có nghĩa là để trở thành một chuyên viên phân tích kinh doanh, một ứng viên trước tiên phải là một chuyên viên phân tích dữ liệu.

Các nhà phân tích kinh doanh có xu hướng hợp tác; các nhà phân tích dữ liệu có xu hướng làm việc độc lập

Các nhà phân tích kinh doanh và nhà phân tích dữ liệu làm việc theo những cách khác nhau:

  • Các nhà phân tích kinh doanh có nhiều khả năng cần hợp tác với các bên quản lý khác và các bộ phận khác, đặc biệt là CNTT.
  • Các nhà phân tích dữ liệu có nhiều khả năng làm việc trên các dự án một cách độc lập hoặc làm việc trực tiếp với quản lí hoặc giám đốc điều hành. 

Phân tích dữ liệu chủ yếu cần dữ liệu, còn phân tích kinh doanh yêu cầu đầu vào từ con người 

Các nguồn thông tin cho các nhà phân tích dữ liệu và nhà phân tích kinh doanh trong công việc hàng ngày của họ khác nhau. Ví dụ:

  • Dữ liệu sẽ thúc đẩy các dự án mà các nhà phân tích dữ liệu thực hiện.
  • Các vấn đề mà các nhà phân tích kinh doanh giải quyết có thể sẽ cần một lượng lớn hơn ý kiến đóng góp và phản hồi của con người.

Vậy hai vai trò có gì giống nhau không?

Các chuyên gia trong cả hai vai trò đều cần phải xác định vấn đề kinh doanh và tìm giải pháp. 

Quan trọng nhất, cả hai vai trò đều rất quan trọng đối với sự thành công của nhau. Trên thực tế, những chuyên gia này có thể làm cho công việc của nhau dễ dàng hơn rất nhiều. Họ có thể giúp tự động hóa các nhiệm vụ của nhau. Họ có thể cung cấp các quan điểm độc đáo về một vấn đề hoặc có thể xác định các cách khác nhau để đưa ra thông tin cụ thể cần thiết để giải quyết vấn đề.

Hơn nữa, cả hai vai trò đều đòi hỏi kỹ năng giao tiếp đặc biệt để tìm kiếm và cung cấp thông tin kinh doanh quan trọng trước, trong và sau một dự án.

Một nhà phân tích kinh doanh sẽ có sự tương tác lớn hơn với mọi người và một nhà phân tích dữ liệu sẽ đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng hơn về các vấn đề liên quan đến khoa học dữ liệu.

Nhà phân tích dữ liệu so với nhà phân tích kinh doanh: Mức lương, triển vọng công việc và yêu cầu cấp độ giáo dục

Mặc dù khác nhau, nghề phân tích dữ liệu và phân tích kinh doanh đều được trả lương cao. Một số sự khác biệt về mức lương trung bình, triển vọng công việc và yêu cầu bằng cấp giáo dục:

Chuyên viên phân tích dữ liệu

  • Mức lương trung bình: Theo Talent.com, mức lương trung bình cho một nhà phân tích dữ liệu ở Úc là $102,695 tính đến tháng 2/2022.
  • Triển vọng việc làm: Theo trang web Job Outlook của chính phủ Úc, triển vọng tương lai của các nhà phân tích dữ liệu được phân loại là rất mạnh (xếp hạng cao nhất có thể). 
  • Yêu cầu giáo dục: Để làm việc như một nhà phân tích dữ liệu, sinh viên tốt nghiệp sẽ cần một bằng đại học hoặc thạc sĩ về toán học, thống kê, khoa học máy tính, quản lý thông tin, tài chính hoặc kinh tế. 

Chuyên viên phân tích kinh doanh

  • Mức lương trung bình: Theo Talent.com, mức lương trung bình cho một nhà phân tích kinh doanh ở Úc là $110,052 tính đến tháng 2/2022.
  • Triển vọng việc làm: Theo trang web Job Outlook của chính phủ Úc, triển vọng tương lai của các nhà phân tích kinh doanh được phân loại là rất mạnh (xếp hạng cao nhất có thể).
  • Yêu cầu giáo dục: Để làm việc như một nhà phân tích kinh doanh, sinh viên tốt nghiệp sẽ cần một bằng đại học hoặc thạc sĩ về kinh doanh, quản trị kinh doanh, phân tích, công nghệ hoặc một lĩnh vực liên quan. 

Cả hai vai trò đều rất quan trọng và ngày càng cần thiết cho tương lai của doanh nghiệp. Cả hai đều mang đến cơ hội làm việc trong rất nhiều dự án trong nhiều ngành công nghiệp, trên toàn thế giới.

Nếu bạn quan tâm đến ngành phân tích dữ liệu hoặc phân tích kinh doanh…

Hãy liên hệ ngay SOL Edu để được tư vấn 1:1 lựa chọn khóa học phù hợp nhất dựa theo trường, chuyên ngành, cũng như vị trí. 

Bài viết được dịch và tham khảo từ studyonline.UNSW.edu.au